Sau khoảng 14 ngày thụ tinh, các bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ làm xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng của phôi. Tuy nhiên, mẹ có thể nhận biết sớm dựa vào các dấu hiệu mang thai sau chuyển phôi dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Chuyển phôi là gì?
Chuyển phôi là bước thứ 2 của quy trình thụ tinh nhân tạo – một trong những biện pháp được rất nhiều cặp vợ chồng áp dụng hiện nay khi không thể mang thai tự nhiên..
Đầu tiên, trứng của người vợ sẽ được thụ tinh với tinh trùng của người chồng trong phòng thí nghiệm. Sau khi trứng thụ tinh tạo thành phôi thai được khoảng 48 giờ, các bác sĩ sẽ bắt đầu cấy phôi vào tử cung của người vợ để phôi bắt đầu làm tổ.
Để tăng khả năng thụ thai thành công, mỗi lần chuyển phôi, các bác sĩ sẽ đưa khoảng 2 – 3 phôi thai vào tử cung.
Công đoạn chuyển phôi thường được tiến hành sau khi mẹ rụng trứng từ 2 – 3 ngày hoặc đã được tiêm hormone ức chế khả năng rụng trứng tự nhiên. Mục đích là để lớp nội mạc tử cung trở nên dày hơn giúp phôi thai làm tổ dễ dàng.
Thông thường, sau khi thụ tinh khoảng 14 ngày, các bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ làm xét nghiệm máu đo nồng độ hormone beta hCG để xem phôi đã làm tổ thành công hay chưa và thời điểm này có thể các mẹ đã thấy dấu hiệu mang thai sau chuyển phôi.
Dấu hiệu có thai sau chuyển phôi mẹ nên chú ý
Trong quá trình chờ đợi, mẹ có thể để ý những dấu hiệu dưới đây để nhận biết sớm tình trạng phôi đã làm tổ hay chưa nhé.
– Vùng kín ra máu
Phôi thai có thể gây ra vài tổn thương cho lớp niêm mạc tử cung trong quá trình di chuyển để tìm nơi làm tổ, do đó làm chảy máu vùng kín.
Dấu hiệu này thường thấy trong khoảng 8 – 14 ngày sau khi chuyển phôi. Mẹ sẽ chỉ thấy ra máu vài giọt màu nhạt trong khoảng 1 – 2 ngày.
– Đau bụng dưới
Quá trình phôi cấy và làm tổ trong tử cung có thể khiến mẹ cảm thấy đau bụng dưới, nặng bụng mỗi khi di chuyển. Mẹ nên hạn chế đi lại để thai bám chắc vào tử cung.
– Thân nhiệt tăng cao
Thân nhiệt tăng cao là dấu hiệu mang thai sau chuyển phôi. Bình thường, khi có thai tự nhiên, hormone progesterone sẽ được tiết ra làm mẹ cảm thấy nóng hơn bình thường.
Tương tự như vậy, với thụ tinh nhân tạo, trước khi chuyển phôi, mẹ cũng sẽ được tiêm hormone progesterone vào cơ thể – đây là loại hormone quan trọng trong thai kỳ.
– Mệt mỏi
Dù là thụ thai tự nhiên hay thụ thai trong ống nghiệm thì hormone progesterone đóng vai trò như một “bưu tá” đưa tin tới các cơ quan trong cơ thể về sự có mặt của phôi thai. Do đó, cơ thể sẽ hoạt động liên tục nhằm cung cấp dưỡng chất và oxy cho phôi thai. Quá trình vận động liên tục này sẽ khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi hơn.
Trong thời gian trước, trong và sau khi tiến hành chuyển phôi, mẹ cần chăm sóc bản thân cẩn thận để phôi thai làm tổ vững chắc trong tử cung.
Ngoài các dấu hiệu có thai sau chuyển phôi trên, mẹ cũng có thể mua que thử thai về kiểm tra song kết quả có thể ảnh hưởng do tác động của lượng hormone tiêm vào cơ thể. Để chắc chắn hơn, mẹ hãy đợi đến ngày đi khám theo chỉ định nhé.