Tóm tắt nội dung
Trong cuộc sống hiện đại, có 3 phương pháp ăn dặm tốt nhất thường được các mẹ lựa chọn khi chăm con đó là: Ăn dặm truyền thống, ăn dặm bé tự chỉ huy và ăn dặm kiểu Nhật.
Mỗi phương pháp ăn dặm đều có ưu và nhược điểm riêng, lựa chọn phương pháp ăn dặm tốt nhất cho bé còn phụ thuộc vào điều kiện gia đình cũng như tích cách của bé. Các bạn có thể tham khảo những điểm nổi bật của 3 phương pháp ăn dặm tốt nhất hiện nay để đưa ra lựa chọn hợp lý nhất nhé.
1./ Phương pháp ăn dặm truyền thống
Đây là phương pháp ăn dặm đã có từ rất lâu đời và phổ biến nhất tại Việt Nam. Trong bữa ăn cho bé khi được 5~6 tháng tuổi thường được gia đình xay bột để trẻ ăn chung với thi, rau, củ cho đến khi trẻ bắt đầu mọc răng sẽ chuyển sang nấu cháo cùng thức ăn được xay nhuyễn.
Đặc điểm nổi bật của ăn dặm truyền thống
Đây là phương pháp ăn dặm mà các món ăn của trẻ được chế biến khá đơn giản, không cần nhiều thời gian, phù hợp với những bà mẹ và gia đình bận rộn. Tuy là phương pháp đã từ rất lâu đời, nhưng hiện nay vẫn nhiều trẻ nhỏ ăn uống, phát triển rất tốt nhờ phương pháp này.
Điểm trừ của phương pháp ăn dặm truyền thống là trẻ được ăn thức ăn nhuyễn quá nhiều, sẽ giảm khả năng ăn thô, dẫn đến nhiều trẻ được 2 tuổi nhưng vẫn phải ăn cơm nhá. Thức ăn không còn được xay nhuyễn khiến trẻ không cảm nhận được mùi vị thức ăn như trước có thể gây nên tình trạng kén ăn, kén chọn thực phẩm.
2./ Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW)
Đối với cha mẹ muốn nuôi dạy con tự lập sớm, thì đây là một phương pháp khá hiệu quả. Trẻ sẽ tự quyết định bữa ăn của mình cũng như lượng thức ăn mà bản thân sẽ sử dụng. Những bước cơ bản của phương pháp này:
- Bé ngồi ăn cùng bàn ăn với cả nhà trong bữa ăn
- Bé được cung cấp thức ăn giống như mọi người trong gia đình nhưng với kích cỡ và hình dạng phù hợp
- Bé tự cầm nắm và tự ăn
- Bé vẫn tiếp tục bú sữa mẹ ngoài thời gian bữa ăn chính
Đặc điểm nổi bật của phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy
Đây là phương pháp sẽ giúp bé có thể tự trải nghiệm hương vị của thức ăn cũng như xây dựng chế độ ăn cho riêng bản thân mình. Phương pháp này giúp bé ăn uống một cách hoàn toàn tự nhiên đồng thời phát triển nhiều kỹ năng của trẻ nhỏ.
- Phương pháp này giúp trẻ tự học hỏi cách kiểm soát thức ăn với những hình dạng, kích thước và cấu trúc khác nhau. Như vậy trẻ có thể nhanh chóng học cách sử dụng lưỡi để điều khiển thức ăn và biết số lượng thức ăn mình có thể đưa vào miệng một cách an toàn trong khi nhiều đứa trẻ khác thường cho quá nhiều đồ ăn vào miệng.
- Trẻ sẽ được học cách cắn nhỏ thức ăn ra rồi nhai. Trẻ tập nhai sớm khi đã sẵn sàng giúp phát triển các cơ mặt cần thiết cho việc học nói về sau.
- Phương pháp giúp trẻ rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh, nhưng điều này đòi hỏi bố mẹ cần có chế độ ăn uống khoa học.
- Trẻ sẽ được học cách kết hợp sử dụng tay và mắt qua mỗi lần sử dụng ngón tay đưa thức ăn vào miệng.
- Trẻ được thử nghiệm những món ăn thú vị với kích cỡ khác nhau, độ thô mịn khác nhau sẽ làm tăng sự khéo léo của bé.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số điểm yếu mà cha mẹ cần chú ý. Điều đáng ngại nhất là khi mới bắt đầu, bé có thể sẽ bị hóc hoặc nghẹn do chưa thể làm quen với toàn bộ thức ăn. Cha mẹ và gia đình nên cắt nhỏ thức ăn trước khi để bé lựa chọn trong bữa ăn của mình. Phương pháp này sẽ khiến không gian của bé rất bừa bộn, các bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý để dọn dẹp cho bé sau mỗi bữa ăn.
3./ Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Đây là phương pháp được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng và các mẹ Việt Nam cũng không phải ngoại lệ vì nó nhiều ưu điểm hợp lý cũng như cơ sở khoa học.
Thực hiện phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
- Trẻ được ăn thô đúng thời điểm: Trẻ bắt đầu làm quen với thức ăn ngay bằng cháo loãng qua rây tỷ lệ 1:10 chứ không quấy bột.
- Những thức ăn khác như rau, thịt sẽ được chế biến riêng với độ thô phù hợp.
- Trẻ được ăn riêng từng loại thức ăn: Một khay thức ăn của trẻ ăn dặm kiểu Nhật bao giờ cũng đủ ba nhóm thực phẩm: Tinh bột, vitamin và chất đạm theo tiêu chuẩn “vàng – đỏ – xanh”. Những loại thực phẩm này chế biến riêng biệt, đặt vào từng khay và không trộn lẫn.
- Trẻ sẽ được tập ăn nhạt , ăn dò từng loại thực phẩm từ rau củ đến thịt cá để làm quen dần.
- Trẻ sẽ ngồi ăn trên ghế khi ăn, không bé bế đi rong, không bật tivi.
- Khi trẻ không muốn ăn nữa, cha mẹ tuyệt đối không thúc ép nhồi nhét trẻ ăn.
Đặc điểm nổi bật của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Trẻ được rèn luyện với bữa ăn khoa học nên có khả năng ăn thô sớm hơn các bé khác cùng lứa tuổi nhưng ăn dặm theo truyền thống. Thức ăn của trẻ được tách riêng, nên trẻ được làm quen với những hương vị riêng biệt. Phương pháp ăn dặm này thường nhạt hơn 2 phương pháp trên nên tốt cho thận của trẻ. Và quan trọng nhất là luyện tập cho trẻ kỷ luật trong bữa ăn, trẻ được ngồi ăn tập trung sẽ giúp ăn được nhiều và nhanh hơn.
Tuy nhiên, phương pháp này sẽ khiến cha mẹ tốn rất nhiều thời gian để dậy bé ngồi yên trên ghế, tập trung vào bữa ăn và tự cầm thìa để ăn uống. Hơn nữa, việc phải chế biến từng món ăn cho bé cũng sẽ khiến cha mẹ tốn nhiều thời gian và công sức. Gia đình sẽ phải thu xếp thời gian, lên lịch chuẩn bị đồ ăn theo thời gian biểu hợp lý.
Ba phương pháp ăn dặm tốt nhất được kể trên đều có những ưu nhược điểm nhất định, các mẹ cùng gia đình nên lựa chọn phương pháp cũng như món ăn dặm khéo léo, đừng quên chú ý đến sự hợp tác và nhu cầu của trẻ. Chúc bé yêu và gia đình bạn luôn khỏe mạnh!